Các dự án sân golf có trong quy hoạch nhưng không triển khai, UBND tỉnh phải báo cáo Thủ tướng để loại bỏ hoặc điều chuyển địa điểm – Đây là nội dung nổi bật trong chỉ thị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc rà soát sân golf theo quy hoạch năm 2009.
Chủ tịch tỉnh chịu trách nhiệm về sân golf sai phạm
Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch sân golf, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương trong kiểm tra, thẩm định, cấp phép, bảo đảm thực hiện đúng quy hoạch và đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, điều kiện hình thành dự án sân golf.
Đối với các dự án sân golf đã có trong quy hoạch nhưng không triển khai thực hiện hoặc chuyển sang địa điểm khác thì UBND cấp tỉnh phải có báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, trình Thủ tướng đưa ra khỏi quy hoạch hoặc điều chuyển địa điểm.
Một sân golf tại Đà Nẵng nằm trong quy hoạch.
Đối với các dự án sân golf đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư trước thời điểm ban hành Quyết định số 1946, nếu đủ điều kiện và tuân thủ theo đúng các quy định của Chỉ thị này thì UBND tỉnh lập hồ sơ đề nghị bổ sung vào quy hoạch, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trình Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng cũng yêu cầu đối với các dự án mới, các địa phương phải tính toán kỹ về sự cần thiết, hiệu quả đầu tư và căn cứ quy định về tiêu chí, điều kiện hình thành tại Quyết định số 1946, lập hồ sơ đề nghị bổ sung vào quy hoạch, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, trình Thủ tướng xem xét, quyết định.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND cấp tỉnh thành tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc đầu tư xây dựng sân golf theo đúng quy hoạch được phê duyệt và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Thủ tướng về đầu tư xây dựng và hoạt động của các dự án sân golf trên địa bàn.
Không biến sân golf thành đất xây nhà, biệt thự để bán
Chỉ thị của Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu tiến hành dân chủ, công khai quá trình thực hiện quy hoạch; công bố và khẳng định rõ các dự án sân golf không sử dụng đất lúa (kể cả đất lúa một vụ năng suất thấp), đất màu, đất trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, đất quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị để xây dựng sân golf.
Một nội dung khác Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo, không được sử dụng đất đã cấp cho việc xây dựng sân golf để xây nhà, biệt thự để bán, chuyển nhượng hoặc sử dụng vào mục đích khác; xây dựng sân golf chủ yếu ở các khu vực có tiềm năng du lịch cao, tại các vùng đất cát hoang hóa ven biển, đất đồi núi trọc, đất hoang hóa; diện tích đất làm sân golf phải nằm trong quy hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất làm sân golf phải được giám sát, kiểm tra chặt chẽ, bảo đảm sử dụng đất đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các địa phương rà soát, tính toán kỹ về sự cần thiết, nhu cầu, số lượng sân golf đến năm 2020 để đề xuất, báo cáo Thủ tướng việc điều chỉnh, bổ sung vào quy hoạch, bảo đảm phù hợp với tình hình phát triển của đất nước trong từng thời kỳ.
Sau hơn 2 năm thực hiện quy hoạch sân golf theo Quyết định số 1946 năm 2009, đã có 29 sân golf đưa vào khai thác, sử dụng trong số 90 sân golf nằm trong quy hoạch được duyệt. Các sân golf đang hoạt động đã góp phần vào việc thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương theo hướng tăng dịch vụ, thu hút khách du lịch, tạo việc làm và tăng thu ngân sách nhà nước, bảo đảm phát triển hiệu quả và bền vững.
Bên cạnh những mặt tích cực, việc thực hiện quy hoạch sân golf đã được phê duyệt còn bộc lộ một số hạn chế, yếu kém; một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ quy định tại Quyết định số 1946, hiện tượng đầu tư không đúng với quy hoạch, chậm tiến độ, làm cho dư luận, nhất là nhân dân địa phương có sân golf chưa thật sự yên tâm. Việc làm cho người lao động tại các địa phương chuyển đổi đất sang làm sân gofl chưa đạt được kết quả như mong đợi...
P.Thảo