Chuyến thăm của Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, được nói kéo dài từ ngày 11 đến 17/4.
Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ dẫn đầu phái đoàn thăm Trung Quốc
Báo Quân đội Nhân dân nói chuyến đi diễn ra theo lời mời của Thượng tướng Trần Bỉnh Đức, Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc “nhằm khẳng ̣định thiện chí và góp phần tăng cường độ tin cậy về chính trị giữa nhân dân và quân đội hai nước”.
Tuy nhiên, bản tin ngắn gọn của tờ báo này không cho biết lịch trình và nội dung cụ thể.
Nỗ lực ngoại giao
Có nhận định cho rằng mặc dù là chuyến thăm định kỳ, nhưng đây có thể cho thấy nỗ lực làm giảm căng thẳng đang diễn ra vì tranh chấp Biển Đông.
Mới hôm 10/4, Trung Quốc yêu cầu Nga không hợp tác với Việt Nam trong dự án khai thác khí ở Biển Đông, không lâu sau khi có cảnh cáo tương tự với Ấn Độ.
Từ Hà Nội, nhà nghiên cứu Trung Quốc Dương Danh Dy, nguyên Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Quảng Đông, cho rằng hình thức thăm viếng khó giải quyết tận gốc căng thẳng.
Ông nói: “Nói đến vấn đề Biển Đông, tính từ sau chuyến thăm năm ngoái của ông Nguyễn Phú Trọng, vẫn chưa thực hiện được những gì hai bên đã hứa.”
“Trung Quốc không tôn trọng những lời hứa và thỏa thuận mà hai bên đã ký,” ông Dy chỉ trích.
Tháng 10/2011, ngay ngày đầu tiên trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, hai bên đã ký kết Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển.
Tuy vậy, thời gian gần đây, hai nước công khai to tiếng vì những diễn biến quanh Hoàng Sa và Trường Sa.
Theo ông Dương Danh Dy, Việt Nam "cũng có những hành động khiến Trung Quốc khó chịu lắm” như loan báo việc đoàn sáu vị sư ra Trường Sa hồi tháng Ba.
Kế tiếp phải kể đến biến cố 21 ngư dân đảo Lý Sơn bị Trung Quốc bắt giữ và Trung Quốc lại vừa cho hay một tàu du lịch đã hoàn tất hành trình ba ngày khảo sát dự án du lịch ở quần đảo Hoàng Sa.
Ông Dy nói: “Ở Trung Quốc hiện nay, phái hiếu chiến hay cũng là nhóm lợi ích luôn nghĩ rằng việc chạy đua vũ trang quân sự có lợi cho họ hơn.”
Khi được hỏi về ông Trần Bỉnh Đức, Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc, ông Dương Danh Dy nhận định: “ Đã là người Trung Quốc mà ở cương vị lãnh đạo như vậy, thì dứt khoát họ phải đại diện cho lợi ích bá quyền nước lớn của Trung Quốc.”
“Chỉ có khác biệt là có người dùng biện pháp lỗ mãng như Đặng Tiểu Bình, và có người lại khôn khéo như Chu Ân Lai, nhưng họ đều cùng một ruộc.”
'Không dùng vũ lực'
Tuy hai nước đang liên tục to tiếng vì Biển Đông, ông Dy cho rằng việc dùng vũ lực không đem lại lợi ích cho nước nào.
Hai nước gần đây chỉ trích nhau vì những diễn biến quanh Hoàng Sa
“Việc sử dụng vũ lực ở Biển Đông không đem lại lợi ích cho bất kỳ phe phái nào.”
“Trong tình hình hiện nay, nếu xảy ra xung đột quân sự thì Trung Quốc cũng không có lợi, và thậm chí còn là quốc gia bị thiệt nhất.”
“Nếu ép quá thì Việt Nam có khả năng sẽ trở thành đồng minh với Mỹ, mà nếu điều này xảy ra thì Trung Quốc càng không có lợi,” ông Dy nhận định.
Cũng từ Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu đại sứ ở Trung Quốc, nói ông "không phản đối việc gìn giữ tình hữu nghị với nhân dân Trung Quốc".
Nhưng ông nói nếu Trung Quốc "cậy mạnh mà đánh, Việt Nam sẽ đánh trả".
“Chưa chắc ưu thế quân lực, phương tiện chiến tranh hiện đại của Trung Quốc đã thắng.”
"Hải quân Việt Nam nhỏ và yếu hơn Trung Quốc, nhưng họ không thể huy động toàn bộ hải quân ra Biển Đông được," Thiếu tướng Vĩnh nói.
Trong khi đó, ông Dương Danh Dy cho rằng bối cảnh ngoại giao hiện nay thuận lợi hơn cho Việt Nam so với lần cuối cùng có chiến tranh lớn với Trung Quốc.
"Ở cuộc chiến 1979, Việt Nam không nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và Trung Quốc coi trận đánh đó chỉ là đánh cho người ta xem."
"Nay, nếu xảy ra xung đột, Việt Nam lại ở vị trí hoàn toàn ngược lại khi nhận được sự ủng hộ từ Asean cũng như bạn bè quốc tế. Trong khi, Trung Quốc sẽ là một quốc gia đơn độc, thiếu đồng minh," ông Dy nhận xét.
BBC