Tết Mậu Ngọ 1978 ở biên giới Tây Nam
Ngày ấy, đất nước mới thống nhất được vài năm thì tình hình biên giới Tây Nam hết sức căng thẳng vì sự khiêu khích, lấn sâu vào biên giới nước ta của bọn Pôn Pốt. Hồi đó tôi là Thiếu úy Trợ lý Tham mưu tác chiến, anh Ba Dũng là Thượng úy Chính trị viên tiểu đoàn. Tiểu đoàn 207 chúng tôi cùng mấy đại đội địa phương huyện Hà Tiên được điều chốt giữ bảo vệ vùng biên giới cực Tây Nam của Tổ quốc.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phu nhân với vợ chồng tác giả tại Khu di tích Kim Liên, tháng 12-2006.
Đêm đêm vùng biên giới tiếng súng nổ chát chúa rộ lên ở chỗ này, chỗ khác bởi lính Pôn Pốt quấy phá và đánh lén. Nhưng chúng đều không qua khỏi con mắt cảnh giác của bộ đội ta ở từng vọng gác, từng chiến hào.
Tết Nguyên đán năm 1978, Tiểu đoàn 207 chúng tôi đón xuân, vui Tết ngay tại trận địa. Tình cảm quân dân thắm thiết ngày đó khiến người lính không thể nào quên. Các đoàn thể và các má chiến sĩ, tuổi trẻ ở hậu phương chuyển tới hàng thuyền nào bánh tét, nào trái cây cho đơn vị. Dạo đó, đồng chí Như, trợ lý quân nhu về hậu cứ, anh Ba Dũng nhắc tôi phân phối quà bánh chủ yếu cho các đại đội, còn phần ít để lại cho tiểu đoàn bộ. Rồi anh Ba Dũng và anh Tám Thắng tiểu đoàn trưởng (sau là Thiếu tướng Phó tư lệnh Quân khu 9, nay đã nghỉ hưu) xuống các đại đội, tới tận các chốt kiểm tra việc chuẩn bị Tết cho bộ đội cũng như nhắc nhở công tác sẵn sàng chiến đấu. Tôi và hai chiến sĩ liên lạc lo việc phân phát quà bánh cho các phân đội của tiểu đoàn theo đúng tinh thần chỉ đạo của anh Ba và anh Tám.
Vậy là Tết Mậu Ngọ năm đó ở biên giới, dẫu vắng cành đào xứ Bắc, cành mai vàng phương Nam nhưng chiến hào nào cũng rực rỡ những bông hoa đồng nội. Nhà hầm của đại đội nào cũng có bàn thờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ. Đêm Giao thừa, đón xuân năm đó tôi còn nhớ chiến sĩ liên lạc Nguyễn Thanh Đậu, thôn Kiều Trai, xã Minh Tân, huyện Hưng Hà, tỉnhThái Bình tâm sự:
“Chúng em đón Tết xa nhà đầu tiên ở ngay biên giới, cách quê hương hơn 2000 cây số, nhưng đỡ nhớ gia đình vì được sống trong tình đồng đội.
Giao thừa không có tiếng pháo, nhưng ngay sau cái thời khắc thiêng liêng chuyển sang một năm mới, Tiểu đoàn 207 anh hùng chúng tôi mừng xuân bằng chiến công tiêu diệt một tốp lính Pôn Pốt xâm nhập vào biên giới Hà Tiên, Kiên Giang.
Tiểu đoàn 207 anh hùng hồi đó, ngoài mấy anh em tôi vừa tốt nghiệp Trường sĩ quan Lục quân 1 được điều vào còn có nhiều chiến sĩ ở các tỉnh phía Bắc như Thái Bình, Vĩnh Phú (nay là Phú Thọ và Vĩnh Phúc), Quảng Ninh mới bổ sung. Tại đơn vị, Thượng úy Chính trị viên Nguyễn Tấn Dũng cùng Đại úy Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Thắng luôn được anh em gần gũi và kính trọng. Điều ấn tượng với anh em chiến sĩ là nụ cười hiền của anh Ba Dũng khi nói chuyện với mọi người.
Một ấn tượng nữa không thể nào quên là những lần vào trận hoặc lúc đưa cán bộ đại đội và phân đội trinh sát chuẩn bị trận đánh, anh Ba Dũng thường vận chiếc quần xà lỏn (quần cộc), mang khẩu súng AK báng gấp với tác phong nhanh nhẹn, dứt khoát và bình tĩnh khiến chúng tôi rất yên tâm trong quá trình tiếp cận mục tiêu thực hiện nhiệm vụ.
Lá thư hơn 30 năm trước của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi tác giả.
Mùa mưa năm đó, Tiểu đoàn 207 chúng tôi chuyển lên chốt ở Tà Teng. Gọi là chốt, nhưng tất cả đều trên mặt nước. Từ điểm này sang điểm khác có khi phải dùng thuyền. Suốt ngày đêm chủ yếu mặc quần cộc. Bữa ăn đơn giản chỉ có cá khô và ớt cay. Thỉnh thoảng có thêm món canh hoa Điên Điển mọc hoang là tươi lắm. Bữa ăn của anh em chúng tôi gồm 5 người: Anh Ba Dũng, anh Tám Thắng, tôi và các chiến sĩ liên lạc Đậu, San. Vất vả như vậy, nhưng các anh Ba Dũng -Tám Thắng luôn vui cười động viên mọi người và bao giờ cũng quan tâm chúng tôi cùng các chiến sĩ liên lạc. Đậu, San thường dè dặt khi ăn cơm với các thủ thưởng, nên nhiều bữa ăn anh Ba Dũng, anh Tám phải gắp thức ăn cho hai chiến sĩ trẻ làm cho bữa ăn ấm cúng, tình cảm như ở gia đình.
Tiểu đoàn 207 chúng tôi sau này còn tham gia làm nghĩa vụ quốc tế ở Cam -pu-chia, anh Ba Dũng được điều lên làm Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn. Trong một lần đi trinh sát, tôi không may bị thương phải điều trị mấy tháng ròng. Nhớ lần trở lại đơn vị tuy không gặp được anh Ba, nhưng anh đã có thư tay cho tôi thật tình cảm, tôi vẫn lưu giữ đến nay:
“Toàn thân, nghe báo Toàn về (đêm nay đơn vị mình chiến đấu) nên không về thăm Toàn được. Nếu ở chơi được vài ngày, tụi mình gặp nhau. Toàn đến gặp Như nhận nhu yếu phẩm và gặp Vũ lãnh tiền lương, có thể cần lãnh trước vài tháng”…
Vẹn nguyên tình đồng chí, đồng đội
… Một thời gian sau, tôi chuyển ra Quân khu Thủ đô. Năm 1995 tôi mới gặp lại anh Nguyễn Tấn Dũng. Lúc đó anh là Thứ trưởng Thường trực Bộ Nội vụ (Bộ Công an bây giờ). Anh cùng với lãnh đạo công an tỉnh Nghệ An đến thăm gia đình tôi tại khu tập thể Đài Truyền thanh -truyền hình thành phố Vinh. Vẫn dáng người cao cao, chắc khỏe, sáng nụ cười trên gương mặt kiên nghị, quả cảm mà phúc hậu, anh hỏi han việc học hành của con tôi và không quên món quà đã chuẩn bị sẵn cho các cháu. Sau khi hỏi chuyện cuộc sống gia đình tôi, anh lại hàn huyên về những kỷ niệm 17 năm về trước. Anh nhắc các chiến sĩ liên lạc Đậu, San và nhiều đồng đội khác. Giọng anh trầm xuống khi nói tới Thiếu úy Nguyễn Văn Tợi -quê Cẩm Xuyên -Hà Tĩnh cùng học lục quân và vào một đợt với tôi, nhưng hy sinh khi truy kích địch. Tôi biết sau này khi về thăm tỉnh Hà Tĩnh, anh Ba đã nhờ cơ quan quân sự và chính sách địa phương tìm hộ địa chỉ gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Tợi. Bà mẹ liệt sĩ Tợi đã rất xúc động khi nghe anh Ba kể về sự hy sinh dũng cảm của Tợi. Bà càng cảm động hơn khi được biết thủ trưởng của con nay là cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, nhưng vẫn dành thời gian tìm đến thăm gia đình đồng đội. Qua cơ quan quân sự và chính sách tỉnh Thái Bình, anh Ba cũng tìm được chiến sĩ liên lạc Nguyễn Thanh Đậu và dành thời gian gặp gỡ, trao quà.
Mấy năm sau khi anh Ba Dũng là Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ, trong chuyến về Nghệ An vào ngày nghỉ cuối tuần, anh chị Ba Dũng cũng đến thăm gia đình tôi. Anh chị phấn khởi khi gia đình tôi đã có căn nhà ổn định từ sự gom góp chắt chiu và sức lao động của chính mình.
Tôi cũng có chuyến ra thăm anh khi anh còn là Thứ trưởng Bộ Nội vụ ở Hà Nội. Nhà khách của Bộ ở gần hồ Thiền Quang, anh cũng chỉ ở một phòng khách như những cán bộ nơi khác về làm việc. Biết tính anh giản dị, chị Ba Dũng đánh đường ra thăm anh. Những chuyến đi như thế, chị Ba thường chuẩn bị khá nhiều thức ăn khô cho anh rồi trở về Thành phố Hồ Chí Minh ngay để chăm lo cho mái ấm gia đình với mẹ già và các con còn ăn học. Mấy lần gặp chị Ba Dũng – cô giáo Trần Thanh Kiệm – tôi cảm nhận rất rõ đặc trưng của người phụ nữ Nam Bộ, tần tảo, chăm sóc gia đình chu đáo. Khi đã là phu nhân của Thủ tướng Chính phủ, chị cũng rất khiêm nhường trong mỗi lần xuất hiện ngoại giao. Dù chuyển công tác xa nhà biền biệt hàng chục năm, công việc mới, trọng trách mới cuốn hút biết bao tâm sức, nhưng gia đình nhỏ một thời ở Rạch Giá -Kiên Giang, ở Thành phố Hồ Chí Minh và đại gia đình ở Cà Mau vẫn luôn là bến đỗ bình yên của anh. Có lần anh Ba nói vui với tôi về chuyện gia đình: “Gia đình nhỏ mà không biết chăm lo, không biết gìn giữ nuôi dưỡng thì làm sao có thể lo cho nhiều gia đình và xã hội. Toàn cũng vậy, làm gì thì làm, chú cũng phải chăm lo cho gia đình thật tốt”. Với quan điểm như vậy, dưới sự dạy dỗ của anh, chị, giờ đây các con của gia đình Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đều trưởng thành có học vị thạc sĩ, tiến sĩ khoa học.
…Tuy đã hơn 30 năm trôi qua, nhưng những câu chuyện trên tôi vẫn nhớ như mới ngày nào, bởi với anh Ba Dũng, kể cả khi ở cương vị nào, tình cảm đối với đồng chí, đồng đội vẫn vẹn nguyên như những ngày chúng tôi cùng chung chiến hào bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong anh luôn tỏa sáng…
Phan Văn Toàn - http://thutuongnguyentandung.net/la-thu-hon-30-nam-truoc-cua-thu-tuong-nguyen-tan-dung.html