Hàn Quốc cứng rắn...
Trong một cuộc phỏng vấn với Xinhuanet, ông Liu Xigui, Cục trưởng Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc tuyên bố bãi đá ngầm Ieodo, do nằm trong vùng đặc quyền của Bắc Kinh và do đó, cũng ở trong diện được tăng cường tuần tra bởi Hải quân và Không quân nước này.
Tuyên bố của ông Liu ngay sau đó khiến phía Hàn Quốc giận dữ. Các phương tiện truyền thông nước này liên tiếp công kích tuyên bố trên của Trung Quốc bằng hàng loạt bài bình luận, trong đó tờ Korea Times nhấn mạnh Hàn Quốc nên liên kết với các quốc gia châu Á khác để đối phó với "cuộc phiêu lưu lỗi thời của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới". Còn chính phủ của Tổng thống Lee Myung-bak hôm 12/3 triệu tập khẩn Đại sứ Trung Quốc tại Seoul để đòi một lời giải thích rõ ràng về vấn đề này.
Ngoài ra, Tổng thống Lee Myung-bak cũng nhanh chóng lên truyền thông khẳng định chủ quyền của Hàn Quốc đối với bãi đá ngầm Ieodo.
Ông Lee nhấn mạnh rằng do Ieodo gần với Hàn Quốc hơn Trung Quốc nên trong bất cứ cuộc đàm phán nào liên quan đến quyền kiểm soát độc quyền các đặc khu kinh tế giữa hai bên được tổ chức trong tương lai. “Ieodo sẽ vẫn hiển nhiên nằm dưới sự kiểm soát của Seoul. Dựa trên các thông lệ quốc tế, chính phủ Trung Quốc nên hiểu điều đó”, ông Lee phát biểu với các phóng viên.
Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak mạnh mẽ khẳng định chủ quyền đối với bãi đá ngầm Ieodo trên truyền thông. Ảnh: Gowans.
Bãi đá ngầm Ieodo - phía Trung Quốc gọi là Tô Nham Tiêu - nằm trong khu vực giữa hai vùng đặc quyền kinh tế chồng chéo (EEZ) của Hàn Quốc và Trung Quốc.
Ieodo cách đảo cực nam Marado của Hàn Quốc 149 km về phía Tây Nam nhưng cách xa tới 247 km so với đảo gần nhất thuộc Trung Quốc là Tongdao. Vì thế, Seoul luôn khẳng định quyền kiểm soát đối với Ieodo.
Được xem là động thái tăng cường tuyên bố chủ quyền đối với Ieodo, năm 2003, Hàn Quốc xây dựng trạm nghiên cứu tự động để quan sát, sự báo thời tiết và đo đạc, nghiên cứu các đặc trưng của vùng biển này trên bãi đá ngầm Ieodo.
Tranh chấp chủ quyền bãi đá ngầm Ieado đang nối dài căng thẳng giữa Hàn Quốc và Trung Quốc. Trước đó, quan hệ Seoul - Bắc Kinh bắt đầu nóng lên bởi Trung Quốc gia tăng các áp lực buộc những người tị nạn Triều Tiên muốn chạy sang Hàn Quốc nhưng bị mắc kẹt trong Đại lục phải hồi hương bất chấp những người này lo sợ sẽ bị trừng phạt nếu bị trả về nước.
..không muốn sứt mẻ quan hệ với Bắc Kinh
Mức độ căng thẳng giữa Hàn Quốc và Trung Quốc bị đẩy lên cao tới mức hôm 12/2, Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kim Jae-shin triệu tập Đại sứ Trung Quốc Zhang Xinsen và mạnh mẽ tuyên bố rằng Ieodo sẽ luôn là của Hàn Quốc ngay cả khi các ranh giới đặc quyền kinh tế chồng chéo giữa hai nước được phân định rạch ròi.
“Chúng tôi không thể chấp nhận việc Trung Quốc nỗ lực đưa Ieodo vào vùng đặc quyền kinh tế của họ và muốn kiểm soát khu vực này", Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kim Jea-shin nhấn mạnh.
Tuy nhiên, tại đây ông Kim cũng nhã nhặn đưa ra đề nghị tổ chức các cuộc đàm phán mới để “làm sáng tỏ” quyền độc quyền kiểm soát các đặc khu kinh tế của Hàn Quốc và Trung Quốc.
Ông nói: “Chúng tôi không có ý định biến những căng thẳng liên quan đến Ieodo trở thành vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến quan hệ Trung – Hàn bởi trên thực tế, Ieodo hiển nhiên thuộc quyền kiểm soát của chúng tôi".
Trong khi đó, Tổng thống Lee Myung-bak kêu gọi giới truyền thông Hàn Quốc không đốt nóng tham vọng về chủ quyền sở hữu bãi đá ngầm Ieodo; không kích động tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.
Yonhap dẫn lời Tổng thống Lee cho hay theo luật pháp quốc tế, do bãi đá ngầm Ieodo nằm sâu dưới mực nước biển khoảng 4 - 5m, chỉ thuộc EEZ chứ chưa thể xem là vùng lãnh thổ của bất cứ quốc gia nào.
“Trước hết, chúng ta cần phải hiểu rằng Ieodo không phải là vấn đề lãnh thổ bởi vì nó là bãi đá ngầm nằm dưới mực nước biển 4 – 5m”, Tổng thống Hàn Quốc phát biểu trong cuộc phỏng vấn với truyền thông.
Ngoài ra, ông Lee nhấn mạnh rằng các tranh chấp trên nên được giải quyết ôn hòa bằng cách thỏa thuận chia khu vực cắt ngang những đặc khu kinh tế (EEZ) của Hàn Quốc và Trung Quốc trong vùng biển Hoa Đông.
Trên thực tế, kể từ năm 1996, Trung – Hàn bắt đầu các vòng đàm phán đầu tiên xung quanh việc phân định các vùng đặc khu kinh tế chồng chéo của hai bên. Cho đến nay, hai bên trải qua 16 vòng đàm phán nhưng vẫn không thể đi đến bất cứ sự đồng thuận nào. Cuối cùng, các cuộc đàm phán bị định trệ kể từ năm 2008 tới nay.
Không dừng lại ở việc đề nghị giải quyết tranh chấp liên quan đến bãi đá ngầm Ieodo bằng phương pháp ôn hòa - theo một số chuyên gia phân tích - dường như Tổng thống Hàn Quốc muốn làm dịu đi căng thẳng giữa hai bên thông qua tuyên bố rằng quan hệ Trung – Hàn đang ở trạng thái tốt đẹp và sẽ không vì những tranh cãi trên mà “sứt mẻ”.
Ông Lee nhấn mạnh, trong suốt bốn năm qua, ông đã hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tới 9 lần, nhiều hơn bất cứ người tiền nhiệm nào trước đó và cho hay, Bắc Kinh cũng rất coi trọng quan hệ với Seoul.
Không dừng lại ở đó, Tổng thống Lee còn tán dương Trung Quốc đang nỗ lực để thúc đẩy cho hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên; đồng thời khẳng định các cuộc đối thoại Trung – Hàn đang “thuận buồm xuôi gió”, thông qua nhiều kênh khác nhau, chính thức và không chính thức.