Theo thiếu tướng Nguyễn Ngọc Anh (Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công an), rửa tiền là hành vi tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản...
Ngày 7/2, Thông tư Liên tịch số 09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC, hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và tội rửa tiền sẽ có hiệu lực.
- Xin thiếu tướng cho biết thế nào là tội rửa tiền?
- Thông tư nêu rõ: Đó là hành vi tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác liên quan đến tiền, tài sản nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản; là việc thực hiện, hỗ trợ thực hiện hoặc thông qua người khác để thực hiện, hỗ trợ.
- Những hành vi nào được coi là nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản?
- Đó là hành vi gửi tiền và mở tài khoản tại ngân hàng; cầm cố, thế chấp tài sản; cho vay, ủy thác, thuê, mua tài chính; chuyển tiền, đổi tiền; mua, bán cổ phiếu, trái phiếu và các giấy tờ có giá khác; bảo lãnh và cam kết tài chính, kinh doanh ngoại hối, các công cụ thị trường tiền tệ, chứng khoán có thể chuyển nhượng; quản lý tiền mặt hoặc chứng khoán thanh khoản thay mặt cho cá nhân, tập thể; đầu tư vốn hoặc tiền cho cá nhân, tập thể... Những hoạt động nhằm tạo sự chuyển đổi, chuyển dịch hoặc thay đổi quyền sở hữu đối với tiền, tài sản của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
- Sử dụng tiền thế nào được coi là rửa tiền?
- Người sử dụng tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có vào hoạt động kinh doanh dịch vụ, thành lập công ty, xây dựng trường học, bệnh viện, mua tài sản dưới các hình thức khác nhau hoặc sử dụng dưới danh nghĩa tài trợ, từ thiện, viện trợ nhân đạo.
- Thông tư còn hướng dẫn xử lý về hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, xin thiếu tướng giải thích rõ việc này?
- Thông tư quy định “tài sản do người khác phạm tội mà có” là tài sản do người phạm tội có được trực tiếp từ việc thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: tài sản chiếm đoạt được, tham ô, nhận hối lộ…) hoặc do người phạm tội có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ việc họ thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: xe máy có được từ việc dùng tiền tham ô để mua).
Tài sản bao gồm: vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản; bất động sản, động sản, hoa lợi, lợi tức, vật chính, vật phụ, vật chia được, vật không chia được, vật tiêu hao, vật không tiêu hao, vật cùng loại, vật đặc định, vật đồng bộ và quyền tài sản.
(Theo Công An Nhân Dân)