Bắt đầu từ ngày 10-11, công an Hà Nội sẽ xử phạt đối với chủ phương tiện ô tô, xe máy mua bán, trao đổi nhưng không tiến hành thủ tục sang tên, đổi chủ. Mức phạt đối với chủ ô tô vi phạm à 6 - 10 triệu đồng/xe; với mô tô, xe máy: một triệu đồng/xe. Đây là quy định cụ thể hóa Nghị định 71/2012/NĐ-CP của Chính phủ.
Né thủ tục sang tên
Hiện trên địa bàn TP Hà Nội có 4,8 triệu phương tiện xe cơ giới đường bộ đã đăng ký và chịu sự quản lý của trong đó có trên 459 .000 ô tô và hơn 4,4 triệu mô tô, xe máy. Tuy nhiên, qua tuần tra kiểm soát, lực lượng CSGT đã phát hiện nhiều chủ phương tiện mua, bán xe ô tô, mô tô, xe máy chưa làm thủ tục sang tên, chuyển quyền sở hữu theo quy định.
Việc làm này không chỉ làm thất thu thuế của nhà nước, khó khăn cho công tác quản lý mà còn gây trở ngại trong công tác điều tra giải quyết các vụ án hình sự, tai nạn giao thông cũng như xử phạt hành chính về trật tự an toàn giao thông.
Trong số nhiều chiếc xe máy nằm tại các điểm giữ xe vi phạm giao thông có những xe là vật chứng một vụ tai nạn giao thông, hoặc là tang vật vụ trộm cắp tài sản được tìm thấy. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng đi xác minh theo số khung, số máy của xe thì đành chịu vì chiếc xe đã qua tay không biết bao chủ sở hữu. “Đây thực sự là bài toán khó đối với cơ quan điều tra, xét xử khi xử lý các vụ án hình sự. Nhiều vụ án đã tìm thấy xe nhưng không thể lần ra ai là người chủ thực sự bị mất tài sản”, ông Vũ Việt Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ 1A – VKSNDTC chia sẻ.
Theo quy định mới, chủ phương tiện khi bán xe xong phải có thông báo gửi đến cơ quan đăng ký, quản lý phương tiện để có biện pháp phối hợp, hướng dẫn chủ mới làm thủ tục sang tên. Những trường hợp không thực hiện việc chuyển quyền sở hữu phương tiện hoặc không làm đăng ký mới sẽ bị xử phạt tiền.
Dân ngơ ngác
Chấn chỉnh lại thói quen “quên” không sang tên đổi chủ khi mua bán phương tiện là đúng đắn, tuy nhiên việc triển khai thực hiện dễ bị vướng vì việc mua bán, chuyển nhượng phương tiện đi lại là quan hệ dân sự.
“Tôi mua xe này lâu rồi, đi mãi có thấy cảnh sát hỏi gì đâu. Kiểm tra giấy tờ đều không nói gì, bây giờ tự nhiên lại bảo là xử phạt. Người chủ trước bán cho tôi đi Mỹ đoàn tụ cùng con cái từ lâu rồi. Tôi biết làm sao được bây giờ. Chẳng nhẽ vì thế mà cứ mỗi lần ra đường tôi lại bị phạt?”, ông Bùi Thanh Phong ở Định Công thắc mắc.
Đối với các phương tiện tham gia giao thông là ô tô, khoản tiền đầu tư khi mua là khá lớn và để cho “chắc ăn”, nhiều người đã làm thủ tục sang tên đổi chủ sở hữu ngay sau khi làm thủ tục mua bán giữa hai bên. Còn đối với người lao động nghèo chỉ đủ tiền mua sắm xe máy cũ phục vụ việc đi lại, chạy chợ, họ không mấy khi làm thủ tục sang tên đổi chủ. Có những chiếc xe cũ sau một thời gián dài sử dụng không bị cảnh sát “hỏi thăm”, giá trị của xe chắc chưa bằng tiền phạt nên tình thế “bỏ của chạy lấy người” rất dễ diễn ra.
Anh Nguyễn Văn Tú làm xe ôm ở Lương Thế Vinh (Từ Liêm) cho hay: “ Nhà em ở tận Hưng Yên, sang bên này làm xe ôm. Sáng ra tối về. Chiếc xe cà khổ này là cái cần câu cơm duy nhất của cả nhà em đấy. Em mua lâu rồi, ở chỗ mua bán xe cũ tại Cầu Giấy, nào biết chủ trước là ai. Giờ có muốn sang tên đổi chủ cũng chịu. Lại mất thời gian nữa!”.
Đối với nhiều sinh viên mới ra trường, chưa kiếm được nhiều tiền, được cha mẹ cho xe máy để “đi làm cho tiện”, họ cũng cảm thấy lo lắng, thắc mắc.
“Bố mẹ em cho em chiếc xe này, tất nhiên là bố em đứng tên. Mà quê em ở xa lắm, mới đi làm xin nghỉ làm thủ tục lằng nhằng. Nếu cảnh sát có hỏi, em bảo em đi mượn, chắc không sao nhỉ?”, bạn Trần Nam (khu tập thể Thanh Xuân Bắc) chia sẻ.
Cần cơ chế khuyến khích dân làm thủ tục sang tên
Thế mới thấy quy định về việc sang tên đổi chủ không phải là quy định gì mới mẻ nhưng lâu nay việc thực thi và chế tài chưa được thực hiện nghiêm túc nên để lại hậu quả làm nhiều người dân ngơ ngác, thắc mắc… khi biết từ mai sẽ bị phạt nặng.
Ngay cả những người chuẩn bị thực hiện việc xử lý cũng không tránh khỏi lo ngại. Với số lượng phương tiện đông như hiện nay tại các tuyến đường của thủ đô, sẽ rất khó phát hiện và xử phạt những đối tượng không sang tên đổi chủ. Với hàng triệu xe máy và ô tô đang lưu hành, việc dừng lại để kiểm tra, xử lý không phải là đơn giản. Nếu dừng phương tiện kiểm tra, giấy tờ đầy đủ và người điều khiển chống chế “em mượn xe đứa bạn” thì xử lý thế nào? Biện pháp xử này không “kèm” hình thức xử phạt bổ sung là thu giữ phương tiện, dân chưa làm kịp thủ tục trong ngày một ngày hai, vậy cứ bắt được là phạt?
Theo ý kiến của một số chuyên gia và người dân, trước hết cơ quan quản lý nhà nước cần có chính sách khuyến khích người dân đến đăng ký sang tên, tạo điều kiện cho những chủ phương tiện đủ giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp làm thủ tục sang tên đổi chủ. Khi chủ phương tiện đủ bằng chứng chứng minh quyền sở hữu hợp pháp của mình thì tạo điều kiện cho họ làm thủ tục sang tên đổi chủ, hạn chế những thủ tục hành chính không cần thiết gây phiền toái cho dân.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền cho người dân biết được chủ trương rồi sau đó mới áp dụng xử phạt. Bởi lẽ đa số người dân chưa biết về “ý tưởng” này của cảnh sát giao thông Hà Nội và mục đích cuối cùng của việc làm này là để dân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật chứ không phải là nhăm nhăm …thu tiền phạt. Khoản tiền xử phạt một triệu đến 10 triệu là không hề nhỏ, nhất là với những người lao động thì việc tuyên truyền phổ biến rộng rãi để người dân biết, thực thi sẽ hiệu quả hơn.