(Petrotimes) - Có thể nhận thấy, các nội dung Quốc hội kỳ họp thứ tư khóa XIII thảo luận lần này đều hướng tới cơ sở, tới mỗi cử tri nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. Bên lề kỳ họp, ông Dương Trung Quốc (Đại biểu tỉnh Đồng Nai) đã dành thời gian trao đổi cùng Báo điện tử Petrotimes xung quanh một số nội dung nóng trên nghị trường.
Đại biểu Dương Trung Quốc trả lời phóng viên bên lề kỳ họp. |
PV: Quốc hội đang sôi nổi thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Theo ông, một Hiến pháp tiến bộ phải là Hiến pháp thể hiện được những vấn đề gì của một thể chế?
Đại biểu Dương Trung Quốc: Chúng ta đang theo đuổi chế độ xã hội chủ nghĩa, một thể chế được coi là hiện đại nhất của thế giới dân chủ đương thời. Và Hiến pháp chính là văn bản quy phạm có giá trị cao nhất, thể hiện trí tuệ, trình độ của một chế độ, của xã hội ấy.
Tôi xin trở lại năm 1946, khi nước Việt Nam vừa thoát khỏi chế độ thực dân thuộc địa, vừa chấm dứt nghìn năm phong kiến. Điều tưởng chừng vô lý được Cụ Hồ cùng các đồng đội, đồng chí, những cán bộ cách mạng - kịp thực hiện đầy đủ những bước đi để hoàn thiện con đường đi theo thể chế dân chủ hiện đại.
Có những chi tiết lịch sử mà chúng ta – mỗi người dân Việt không thể nào quên. Đó là ngay từ khi Cách mạng chưa thành công, từ Tân Trào khi tiến hành Đại hội Quốc dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã định hướng phải thành lập Ủy ban lâm thời, với mục tiêu và nhiệm vụ hàng đầu là nhanh chóng tổng tuyển cử bầu ra thể chế chính trị cao nhất – Quốc hội, để rồi từ đó thành lập một Nhà nước pháp quyền chính thức. Ngay cả việc Chủ tịch Hồ Chí Minh khẩn trương chống giặc dốt và thúc đẩy truyền bá chữ Quốc ngữ, cũng không ngoài mong muốn mỗi người dân ý thức đầy đủ, thậm chí có trình độ khi thể hiện đầy đủ nguyện vọng trên lá phiếu bầu cử. Tính dân chủ được thể hiện hết sức thực tiễn trong đời sống chính trị. Chúng ta hoàn toàn đúng đắn khi bầu ra một Quốc hội đặt lợi ích của toàn dân lên hàng đầu, theo đúng tinh thần của Cụ Hồ.
Hẳn mọi người chưa quên, chính Cụ Hồ đã chủ động bổ sung thêm 70 phần tử thuộc các đảng phái khác, và có tư tưởng đối nghịch, với lý do họ chưa kịp tham dự cuộc tổng tuyển cử. Thực chất đây là động thái khéo léo ngăn chặn những thông tin trái chiều đến từ các lực lượng phản động, thậm chí để cho những phần tử tiêu cực tự đào thải mình nếu không hướng tới chủ nghĩa dân tộc. Thành quả của nỗ lực đó chính là Hiến pháp 1946, được Quốc hội chính thức thông qua với 240/242 phiếu ở kỳ họp thứ Hai tháng 11/1946. Chỉ tiếc rằng văn bản chưa kịp ban hành thì chiến tranh bùng nổ, cách mạng bị cuốn vào vòng xoáy mới. Nhưng chỉ từng đó thôi đã là bằng chứng trường tồn của Nhà nước Việt Nam, trình độ của Nhà nước Việt Nam thời kỳ ban đầu và cao hơn cả là ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh.
Nhìn lại bản Hiến pháp 1946, chúng ta đều thấy những gì là giá trị phát triển cao nhất của nhân loại về chính trị đều được thể hiện trong Hiến pháp. Ví dụ như bình đẳng về giới, về dân tộc, về tôn giáo... trong cuộc tổng tuyển cử, đã được thể hiện hết sức rõ nét. Ngay cả những nền văn minh được coi là dân chủ tiêu biểu trên thế giới vào thời điểm đó cũng không thể hiện rõ rệt như trong Hiến pháp 1946, hay trong chính thực tế Chính phủ lâm thời thể hiện.
Điều tài tình của Cụ Hồ, nói rộng ra, đó là khả năng quy tụ tri thức, tinh hoa người Việt Nam , bất chấp người đó thuộc chế độ, Đảng phải, tư tưởng nào. Cộng thêm không khí hào hùng của cách mạng đã đúc kết nên Hiến pháp 1946. Hiến pháp phản ánh chế độ chính trị, cùng kháng chiến bảo về nền độc lập dân tộc, chúng ta phải chấp nhận những yếu tố thời đại, của lịch sử để xây dựng Nhà nước có đặc thù riêng của mình, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải tự vận động điều chỉnh. Và hôm nay, sau khi trải qua những lần sửa đổi Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980, một lần nữa trước yêu cầu của thời đại và thực tiễn phát triển của đất nước, chúng ta sửa đổi Hiến pháp 1992 để phù hợp hơn với công cuộc hội nhập.
PV: Tinh thần “Của dân, do dân, vì dân” nên được thể hiện như thế nào trong Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi, thưa ông?
Đại biểu Dương Trung Quốc: Đây là tư tưởng chính trị hết sức cao đẹp mà bất cứ chế độ, Nhà nước nào cũng muốn hướng tới để phục vụ nhân dân, dân tộc mình. Tư tưởng trên xuất phát từ cố Tổng thống Mỹ A.Lincoln, được nhà dân chủ Tôn Trung Sơn phương Đông hóa bằng chủ nghĩa Tam dân. Sau khi chứng kiến chế độ Xô viết, chế công xã khắp châu Âu, trải qua chế độ cộng sản... cộng thêm thực tế ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định lựa chọn, vận dụng tư tưởng trên, trở thành tinh thần phổ quát Độc lập – Tự do – Hạnh phúc. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gắn chặt với đặc trưng của Việt Nam nói riêng và chủ nghĩa xã hội nói chung.
Với Hiến pháp 1992 sửa đổi, theo tôi, một trong những vấn đề cử tri cũng như Đại biểu hết sức quan tâm là quyền PHÚC QUYẾT phải thuộc về người dân, chứ không phải ý chí của bất cứ cá nhân, tổ chức nào. Mọi quyết định của Đảng, của Quốc hội, Nhà nước hay Chính phủ thì cũng phải phục vụ nhân dân, hướng về nhân dân, thỏa mãn quyền lợi của nhân dân. Đấy là điều cốt lõi!
PV: Vấn đề chủ quyền lãnh thổ đang trở nên nóng hơn bao giờ hết. Cá nhân ông nghĩ sao về thực tế hiện này với trường hợp Việt Nam chúng ta?
Đại biểu Dương Trung Quốc: Tôi nghĩ rằng chủ quyền dân tộc là vấn đề tồn tại lâu dài trong lịch sử, không lúc nào thôi quyết liệt. Đúng là có một vài thời điểm, một vài thế hệ lẻ tẻ từng kỳ vọng vào một giá trị nào đó cao hơn tự hào dân tộc để hướng tới, ví dụ thế giới đại đồng của các cụ nhà Nho trước đây. Còn trước mắt, khi tình hình thế giới biến động không ngừng, chúng ta nhất định phải chủ động bảo vệ chủ quyền. Bởi vì có bảo vệ được chủ quyền dân tộc thì chúng ta mới quyết định được con đường của mình, quyết định sự vận động, phát triển, lựa chọn của mình. Còn nếu chúng ta không xây dựng thành công chủ quyền dân tộc, thì mọi nỗ lực đều là vô nghĩa, chẳng còn giá trị.
Trong thời đại hiện nay, thế giới đang nẩy sinh rất nhiều vấn đề mới. Ví dụ trước kia vấn đề lãnh thổ trên biển không phải vấn đề lớn, nhưng ở đâu trên thế giới hiện nay, vấn đề này đang rất nóng bỏng, từ nguồn lợi hải sản, vận tải biển, tài nguyên thiên nhiên... Tôi cho rằng, trong giải quyết tranh chấp song phương và đa phương, bên cạnh việc lấy nguyên lý căn bản là phải bảo vệ tối đa chủ quyền dân tộc, chúng ta cũng phải tôn trọng, chấp được những cam kết chung quốc tế, những giá trị chung để tìm cho ra giải pháp hài hòa, đảm bảo nền tảng của sự ổn định.
PV: Lâu nay, công tác giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ vẫn đi theo lối mòn. Với tư cách là một nhà sử học, ông có lời khuyên nào với ngành giáo dục?
Đại biểu Dương Trung Quốc: Đúng là lâu nay, trong giảng dạy lịch sử chúng ta thường giáo dục học sinh truyền thống chống giặc ngoại xâm. Tuy nhiên, trong chủ nghĩa dân tộc, chống là chưa đủ, mà xây, xây dựng những mối quan hệ với các quốc bạn như thế nào để tạo ra chủ nghĩa dân tộc thời đại mới mới là điều quan trọng. Theo tôi, truyền thống dựng nước và truyền thống đối ngoại chưa được quan tâm đúng mức. Còn về cơ bản, lòng yêu nước là cha truyền con nối với mỗi người Việt Nam. Tuy nhiên, hiện tại giới trẻ Việt Nam dường như đang lúng túng với những vấn đề trên, vì chúng ta chưa có một định hướng cụ thể, theo mong muốn của số đông. Ứng xử với giới trẻ giữa thời đại thông tin là hết sức quan trọng. Có lẽ điều này đòi hỏi cả hệ thống chính trị và cả xã hội cùng vào cuộc mới có thể hoàn tất một cách tích cực.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!