Không cần úp mở gì nữa, rõ ràng là Trung Quốc đã chiếm Trường Sa của Việt Nam trên văn bản hành chính. Họ đã biến Trường Sa Việt Nam trở thành quận huyện của họ có đầy đủ cơ cấu tổ chức chính quyền…trong khi Trường Sa là một huyện của Khánh Hòa-Việt Nam mà dân cư của ta đã và đang sinh sống từ lâu đời. Vấn đề là khi nào Trung Quốc sẽ dùng sức mạnh?
Bất kỳ hoạt động nào, chính trị, quân sự hay kinh tế, thì việc nắm bắt thời cơ là một yếu tố vô cùng quan trọng tạo nên thắng lợi. Để mất thời cơ, sẽ kéo dài thời gian và có kết quả không trọn vẹn. Thời cơ chỉ đến một lần mà không bao giờ trở lại.
Trong trang sử quan hệ với Việt Nam, với dã tâm bành trướng, bá quyền, Trung Quốc đã rất nhiều lần lợi dụng thời cơ để gây cho Việt Nam nhiều khó khăn, tổn thất.
Năm 1974, sau khi mặc cả với Mỹ sau lưng Việt Nam, lợi dụng Việt Nam tập trung sức người, sức của cho công cuộc thống nhất đất nước, Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa.
Năm 1979, lợi dụng chính sách ngoại giao xơ cứng của Việt Nam với Mỹ. Trung Quốc tấn công Việt Nam. Cuộc tấn công này đạt được 2 mục đích.
Thứ nhất, triệt hạ khả năng Việt Nam thay đổi chính sách ngoại giao với Mỹ, tạo ra hố sâu ngăn cách giữa Việt Nam với Mỹ và các nước phương Tây.
Cuối cùng, bị cấm vận kinh tế, căng thẳng về an ninh, thù trong giặc ngoài, khiến Việt Nam kiệt quệ sau chiến tranh, không có khả năng hồi phục hoặc hồi phục chậm chạp…là bài học giá trị mà Việt Nam nhận được từ Trung Quốc.
Thứ hai là Trung Quốc, qua đó, xin được làm bạn với Mỹ. Sự hậm hực của Mỹ như được thỏa lòng. Mỹ “nuôi” Trung Quốc trong gần 3 thập kỷ.
Năm 1988, Trung Quốc đánh chiếm một số đảo ở Trường Sa trước khi Việt Nam rút quân từ Campuchia về nước sau 10 năm giúp bạn năm 1989.
Phải công nhận một điều rằng Trung Quốc theo dõi, lợi dụng thời cơ để “chơi” Việt Nam rất tốt, đặc biệt là thời điểm 1979.
Năm 1979, không phải vì lúc đó các quân đoàn chủ lực Việt Nam đang giải phóng Campuchia, đó chỉ một phần để giảm thiểu tổn thất quân sự, điều này, với Trung Quốc không quan trọng, mà giỏi ở chỗ, ngay lúc đó, họ đã lường trước những cái được, cái mất trong mối quan hệ của Việt Nam với Mỹ.
Họ đã nhìn thấy thời cơ bình thường hóa quan hệ Mỹ-Việt dễ dàng thuận lợi cho Việt Nam đã qua đi và họ chớp lấy thời cơ đó bằng hành động có lợi cho mình: Được làm bạn với Mỹ bằng “dạy cho Việt Nam một bài học”.
Có thể nói Trung Quốc đã nhìn thấy hiện tại, tương lai mối quan hệ Việt - Mỹ ảnh hưởng đến Trung Quốc như thế nào. Đó là tầm nhìn xa chiến lược của ông Đặng Tiểu Bình.
Sách lược “Giấu mình chờ thời” thực chất là nghệ thuật thời cơ. Nó có 2 hoạt động quan trọng. Thứ nhất là, rình mò, theo dõi, lợi dụng thời cơ để hành động cho mục đích. Thứ hai là bí mật các hoạt động để tạo thời cơ và khi thời cơ đến thì chớp lấy hành động.
Hai hoạt động này luôn song hành cùng nhau và đối với Trung Quốc, trong 3 thập kỷ lại đây, họ chủ yếu thiên về hoạt động kiểu thứ nhất-rình mò, theo dõi, lợi dụng thời cơ, mà như trên đã dẫn.
Khi thời cơ đến thì hành động, lúc đó thì không cần vì không thể giấu mình là tất yếu.
Tình hình Biển Đông trong thời gian gần đây cho thấy Trung Quốc không còn “giấu mình” nữa. Họ không cần giấu diếm ý đồ, ngang nhiên hành động, bất chấp tất cả để thực hiện tham vọng chiếm Trường Sa của Việt Nam và 80% Biển Đông. Trên Biển Đông Trung Quốc đã “chơi bài ngửa”.
Vậy, phải chăng Trung Quốc cho là thời cơ của họ đã đến?
Bất kỳ người dân Việt Nam nào cũng biết và bất bình với những hành động ngang ngược, nguy hiểm của Trung quốc trong những ngày gần đây.
Nguy hiểm càng gia tăng khi Quân ủy Trung ương Trung Quốc chính thức quyết định thành lập “Cơ quan chỉ huy quân sự” của cái gọi là “thành phố Tam Sa”, đặt căn cứ trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Rồi, ngày 21/7, phía Trung Quốc đã tổ chức bầu cử đại biểu Đại hội đại biểu nhân dân khóa I của cái gọi là “thành phố Tam Sa”.
Không cần úp mở gì nữa, rõ ràng là Trung Quốc đã chiếm Trường Sa của Việt Nam trên văn bản hành chính. Họ đã biến Trường Sa Việt Nam trở thành quận huyện của họ với đầy đủ cơ cấu tổ chức chính quyền…trong khi Trường Sa là một huyện của Khánh Hòa-Việt Nam mà dân cư đang sinh sống từ lâu đời.
|
Chiến sĩ Trường Sa bảo vệ chủ quyền thiêng liêng Tổ quốc |
Vấn đề là khi nào Trung Quốc sẽ dùng sức mạnh để đánh chiếm?
Giới hiếu chiến quân sự và còn có những học giả “ăn theo” của Trung Quốc đã nắm bắt 4 vấn đề trong dự báo thời cơ, coi đó là thời cơ để lợi dụng.
Trước hết là về thời cơ bên ngoài:
Một là: ASEAN đã rệu rã, khả năng đoàn kết để chống Trung Quốc không còn, họ có thể “bẻ từng chiếc một” dễ dàng.
Hai là: Mối quan hệ Việt-Mỹ phát triển nhanh không tưởng tượng nổi trên nhiều mặt, trong đó có an ninh quốc phòng. Hiện tại mối quan hệ này đang “lòng trong tuy đã, nhưng ngoài còn e”.
Nếu để thêm thời gian, khi Việt-Mỹ không còn e ngại gì nhau nữa, “tay trong tay” thì khó khăn sẽ gấp bội cho mục đích bành trướng.
Ba là: Mỹ vừa mới trở lại châu Á-TBD, các mối quan hệ gây dựng đang còn mới mẻ. Mỹ chỉ quan tâm đến “diện”, chưa quan tâm đến “điểm” trên biển Đông, nên can thiệp của Mỹ là chưa sẵn sàng nếu như làm gì đó mà không ảnh hưởng đến “an toàn hàng hải” của Mỹ.
Vụ Scarborough, thông qua đó và với ngay Philipines, một đồng minh của Mỹ, càng chứng tỏ nhận định trên là đúng.
Đây là thời cơ được xác định là quan trọng nhất.
Bốn là: Thế và lực Việt Nam bây giờ đang còn hạn chế, chưa đủ khă năng bắt Trung Quốc phải trả giá đắt. Nếu để đến hết năm 2014, lúc đó Việt Nam có thời gian hiện đại hóa Không quân, Hải quân như hoàn chỉnh Hạm đội tàu ngầm, tàu chiến hiện đại khác thì Trung Quốc không có khả năng trên cơ Việt Nam. Đụng vào Việt Nam thì Trung Quốc phải trả giá đắt và chắc chắn đắt không chịu đựng nổi. Bởi vậy, bây giờ hoặc không bao giờ.
Đây là thời cơ được xác định là quyết định thành bại của hành động.
Cuối cùng là thời cơ bên trong (nội bộ):
Có thể Trung Quốc cho rằng họ mạnh chưa từng thấy. Hoặc đây là thời cơ để chuyển những mâu thuẫn nội bộ ra bên ngoài hoặc là thời cơ để cho giới quân sự hiếu chiến, những “con rồng” đầy thế lực vì lợi ích cục bộ, gây áp lực lên chính quyền trung ương Trung Quốc đang trong cuộc đấu tranh tranh giành quyền lực gay gắt diễn ra trước khi đại hội Đảng CSTQ vào mùa thu tới.
Vân vân và vân vân.
Quả thật, xét về mặt thời gian, thì những thời cơ trên (bên ngoài) hoàn toàn chính xác, không sai điểm nào, rất dễ nhận biết và dự đoán. Chẳng hạn như Việt Nam 2010 thực lực không bằng 2014 là đương nhiên.
Điều quan trọng là, qua đây, dư luận cũng rất dễ nhận biết dã tâm và sự ham muốn cháy bỏng, không cưỡng lại được của giới có tư tưởng bành trướng, bá chủ thiên hạ ngấm sâu vào máu đến mức độ nào.
Với nhận thức “bây giờ hoặc không bao giờ” họ trở nên điên cuồng và liều lĩnh hơn bao giờ hết.
Nhưng, rất tiếc, đánh giá sức mạnh Việt Nam, khả năng giáng trả tại thời điểm đó chính xác mới là quyết định thành bại của cuộc chiến.
Điều này thì chỉ có giới thông thái, trí tuệ, sáng suốt làm được, vì đó là một vấn đề khoa học, cho nên nó không dành cho những kẻ có cái “đầu nóng”.