(ĐVO) Cơ quan tình báo thường trực thuộc trực tiếp chính phủ với nhiệm vụ tìm kiếm các thông tin đáp ứng nhiệm vụ an ninh quốc gia và quốc phòng. Hoạt động của thành viên cơ quan này thường nằm ngoài tầm theo dõi của công chúng nói chung.
Những thành công của các cơ quan thường thầm lặng và ít được biết rộng rãi ngay tại thời điểm họ thực hiện. Trong khi đó, những thất bại lại luôn trở thành tiêu đề chỉ trích chính trên các mặt báo.
Dưới đây là danh sách 10 cơ quan tình báo hoạt động tốt nhất trên thế giới, dựa trên tỷ lệ thành công cũng như kiểm soát tình hình một cách hiệu quả.
Cơ quan CSIS (Canada)
Thành lập ngày 21/6/1984 dưới tác động của Hội đồng Hoàng gia Canada nhằm tách hoạt động tình báo khỏi cảnh sát, Cơ quan tình báo an ninh Canada (CSIS) đặt trụ sở chính tại số 1941 đường Ogilvie, Ottawa, bang Ontario.
CSIS chịu trách nhiệm trước Nghị viện thông qua Bộ trưởng An ninh Công cộng và dưới sự giám sát của Hệ thống Tòa liên bang, Thanh tra trưởng của CSIS và Hội đồng Đánh giá Tình báo An ninh (SIRC).
Quy mô của CSIS gồm khoảng 2.449 nhân viên với ngân quỹ hàng năm khoảng 506,7 triệu USD (theo dự toán ngân sách giai đoạn 2010-2011).
Giống như MI5 của Anh và CIA của Mỹ, về mặt danh nghĩa, CSIS là cơ quan dân sự, không thuộc cảnh sát hay quân đội. Tuy nhiên, hoạt động gắn liền chặt chẽ. Nhiệm vụ chính của CSIS là “tình báo an ninh” liên quan đe dọa an ninh quốc gia như chủ nghĩa khủng bố, chống gián điệp và “tình báo nước ngoài” là thu thập các thông tin liên quan hoạt động chính trị, kinh tế của nước ngoài.
Giai đoạn hậu Chiến tranh thế giới II, CSIS hợp tác cùng cơ quan tình báo của Anh, Mỹ, Australia để chia sẻ các thông tin tình báo liên quan các nước Xã hội Chủ nghĩa.
Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, CSIS được giao nhiệm vụ theo dõi các gián điệp ở Canada dựa nhiều vào việc sử dụng “thiết bị công nghệ” để vén màn các hoạt động gián điệp. Thời gian gần đây, CSIS tham gia vào liên minh chống gián điệp từ nhóm tình báo của Trung Quốc.
Một nhiệm vụ khác của CSIS là ngăn chặn người nhập cư bất hợp pháp vào Canada có nguy cơ an ninh tiềm ẩn với đất nước.
Cơ quan ASIS (Australia)
Cơ quan tình báo Australia được thành lập ngày 13/5/1952, là cơ quan tình báo của chính phủ chịu trách nhiệm thu thập thông tin tình báo nước ngoài, tham gia hoạt động hợp tác tình báo với cơ quan ngoài nước nhằm bảo vệ các lợi ích sống còn của Australia.
Đặt trụ sở chính tại Canberra, số nhân viên chính thức của ASIS không được công khai. Theo số liệu 2009, ngân sách hàng năm dành cho cơ quan này là 263,3 triệu USD Australia.
Bản thân sự tồn tại của ASIS cũng là bí hiểm đối với không ít thành viên chính phủ, thậm chí đã từng “tàng hình” trong suốt 20 năm.
Mãi đến 1/11/1972, hoạt động của ASIS mới được tờ Daily Telegraph phơi bày trước công luận sau khi phát hiện việc tuyển dụng đặc vụ ASIS từ các trường đại học để làm gián điệp ở châu Á.
Nhiệm vụ chính của ASIS là thu thập thông tin chủ yếu từ châu Á và Thái Bình Dương thông qua các trụ sở tình báo đặt ở nhiều nơi.
Con đường hoạt động của ASIS không êm đẹp. Hàng loạt cú sốc giai đoạn những năm 1980-1990 đã khiến chính phủ Australia tiến hành các điều tra chi tiết, dẫn đến sự cải tổ toàn diện của cơ quan này.
Mãi đến 2001, với đạo luật Hoạt động Tình báo, ASIS đã có cơ sở pháp lý về hoạt động được công khai với công chúng.
Bằng phân tích và xử lý thông tin tình báo, cơ quan này sẽ cung cấp thông tin tình báo tối mật về khả năng, năng lực, ý định và hoạt động của các cá nhân, tổ chức bên ngoài Australia có khả năng tác động tới lợi ích của đất nước và công dân Australia.
Cơ quan RAW (Ấn Độ)
Sau khi trải qua 2 cuộc chiến liên tiếp, Ấn Độ-Trung Quốc (năm 1962) và Ấn Độ-Pakistan (năm 1965), Chính phủ Ấn Độ nhận ra sự yếu kém trong hoạt động thu thập thông tin có tác động nghiêm trọng như thế nào.
Chính vì vậy, Cơ quan Nghiên cứu và Phân tích (RAW) được thành lập ngày 21/9/1968, là tổ chức tình báo bên ngoài Ấn Độ, còn hoạt động tình báo trong nước sẽ chỉ do Cục Tình báo đảm nhiệm.
Trụ sở chính của RAW đặt tại New Delhi với giám đốc là Sanjeev Tripathi. Ngân sách và nhân lực của cơ quan này không được công bố.
Nhiệm vụ giao phó cho RAW rất đa dạng từ khi bắt đầu thành lập, bao gồm: kiểm soát các phát triển về chính trị, quân sự của các nước láng giềng.
Sự tập trung của RAW là tới Pakistan và Trung Quốc, hai đối thủ hàng đầu của nước này. Ngoài ra, RAW còn thực hiện việc kiểm soát và hạn chế nguồn cung cấp hàng hóa quân sự từ các nước châu Âu, Mỹ tới Pakistan.
Một điểm đặc biệt, các thành công của RAW được công chúng biết đến khá rộng rãi, ví dụ như: Hỗ trợ việc Bangladesh trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập của nước này thông qua việc huấn luyện và trang bị vũ khí cho nhóm vũ trang Mukti Bahini.
RAW còn đảm bảo bí mật cho chương trình hạt nhân đầu tiên của Ấn Độ trong chiến dịch Phật cười và tham gia chống chủ nghĩa Apartheid ở các nước châu Phi độc lập, đặc biệt ở Nam Phi và Namibia.
Cơ quan này còn phối hợp với Mỹ trong việc cung cấp thông tin về cơ sở huấn luyện đào tạo của Taliban ở Afghanistan và Pakistan cũng như các thông tin về các cuộc tấn công của Osama bin Laden.
Cơ quan MOSSAD (Israel)
Mossad (Cơ quan tình báo và Chiến dịch Đặc biệt) được thành lập ngày 13/12/1949, có trụ sở tại Tel Aviv với số đặc vụ khoảng 1.200 người), nằm dưới sự chỉ đạo của văn phòng Thủ tướng Israel.
Mossad là một trong ba trụ cột của Cộng đồng Tình báo Israel, bên cạnh Aman (cơ quan tình báo quân sự) và Shin Bet (cơ quan tình báo quốc nội).
Nhiệm vụ chính của Mossad là thu thập thông tin tình báo và hoạt động bí mật, bao gồm cả việc ám sát mục tiêu và hoạt động bán quân sự bên ngoài lãnh thổ Israel như đưa người Hồi giáo về Israel từ các nước mà việc di cư của người Hồi giáo bị cấm hay bảo vệ cộng đồng Hồi giáo trên toàn thế giới.
Các thành tích của Mossad có thể ghi thành một danh sách dài ngay kể từ khi mới thành lập. Năm 1960, các đặc vụ Mossad đã phát hiện cựu lãnh đạo phát xít Đức, Adolf Eichmann đang sống ở Arghentina với tên giả là Ricardo Klement và thực hiện sự trả thù cho những nạn nhân Do Thái.
Vào tháng 8/2011, Mossad đã có được nhiều thông tin về cuộc tấn công vào các địa điểm “dễ bị tổn tại” tại nước Mỹ và cảnh báo FBI, tuy nhiên không nhận được sự phản hồi hợp lý. Chính vì thế, các phần tử khủng bố đã thành công trong vụ tấn công 11/9 mà không có sự phản ứng kịp của tình báo Mỹ nói riêng và hệ thống an ninh-quốc phòng Mỹ.
Mossad cũng tiến hành việc bắt cóc một công dân Israel đã tố giác chương trình hạt nhân của nước này từ Anh về Italy. Cơ quan này còn hỗ trợ MI5 của Anh trong việc nhận dạng các tên khủng bố al-Qaeda, cầm đầu trong vụ khủng bố ga tàu điện ngầm ở Anh.
Cơ quan BND (Đức)
Trực thuộc sự quản lý của Văn Phòng Thủ tướng, có trụ sở tại Pullach (gần Munich) và Berlin, cơ quan tình báo Đức có lịch sử tròn 55 năm. Theo số liệu năm 2005, lượng đặc vụ của BND khoảng 6.050 người. Ngân sách dành cho cơ quan này năm 2009 là 460 triệu Euro.
Cơ quan tình báo này có khoảng 300 trụ sở hoạt động ở Đức và các nước ngoài. Với vai trò là hệ thống cảnh báo sớm tới chính quyền Đức về các đe dọa lợi ích tới đất nước từ các quốc gia bên ngoài. BND phụ thuộc nhiều vào việc nghe trộm và các thiết bị do thám điện tử đối với việc liên lạc quốc tế.
BND thu thập và đánh giá các thông tin trên nhiều lĩnh vực như: khủng bố quốc tế, phổ biến vũ khí giết người hàng loạt, chuyển giao công nghệ trái phép và tổ chức tội phạm. Phạm vi hoạt động của BND gồm cả tình báo quân sự và dân sự.
Ban đầu, là cơ quan tình báo của Tây Đức, BND đã giành nhiều thành công trong giai đoạn căng thẳng Đông-Tây Đức, với việc hiểu biết rõ về từng chiếc cầu, bệnh viện, độ dài của sân bay hay thậm chí độ rộng của con đường của phía Đông Đức.
Một trong những thành công nhất là việc BND đã dự đoán chính xác về Chiến tranh 6 ngày ở Trung Đông hồi đầu tháng 6/1967. Lãnh đạo của BND đã thông báo cho CIA về ngày giờ cụ thể mà Israel sẽ tấn công một loạt các nước ở khu vực này.
BND cũng đóng vai trò quan trọng trong vai trò làm trung gian để tiến hành thỏa thuận bí mật giữa Israel - Hezbollah, từ đó tiến tới trao đổi tù nhân giữa 2 nước năm 2008.