Bão số 1 thành áp thấp nhiệt đới đang gây ra mưa to ở các tỉnh, thành Nam bộ. Từ trưa 1-4, gió thổi mạnh lên ở các địa phương ven biển Bà Rịa – Vũng Tàu. Tại TP.HCM, phà Bình Khánh tạm ngưng hoạt động.
Phó bí thư thành ủy Nguyễn Văn Đua trực chiến chỉ đạo phòng chống bão tại UBND huyện Cần Giờ, TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng
Mặc mưa to kèm gió lớn tại thị xã Bà Rịa, hai người đàn ông này dọn sạp hàng tránh bão - Ảnh: Tiến Thành
PV Tuổi Trẻ ghi nhận tình hình tại Vũng Tàu và Cần Giờ (TP.HCM).
Dọc đường đi, chúng tôi cảm nhận được sức gió ngày càng mạnh, thổi quất vào người không thể đi được. Những hàng cây dọc hai bên đường ven biển bị gió đánh tơi tả, nhiều cành rơi xuống đường. Một số vật dụng như: mái hiên di động, bảng quảng cáo đã bị gió thổi bay, sập. Có khá nhiều ôtô du lịch cỡ lớn hối hả chở khách rời các khu du lịch về nhà.
Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tâm áp thấp nhiệt đới sẽ nằm ở xã Bình Châu, H.Xuyên Mộc. Chúng tôi cố gắng đến xã này nhưng vì gió quá lớn, không thể đi được nên đành trú bão tại trụ sở UBND thị trấn Phước Hải.
Gió to kèm mưa lớn khiến dây điện giăng mắc lòng đường Nguyễn Thanh Đằng, thị xã Bà Rịa chiều 1-4 - Ảnh: Tiến Thành
Trao đổi với Tuổi Trẻ qua điện thoại lúc 13g ngày 1-4, bà Lê Kim Lựu, bí thư đảng ủy xã Bình Châu, H.Xuyên Mộc, cho biết bắt đầu từ hơn 12g, gió thổi mạnh dần lên làm bay nóc hai phòng học của ngôi trường tiểu học cấp 4 Nguyễn Thị Định. Ngoài ra, gió còn thổi tung nóc nhà của 10 hộ dân khác.
Tại thị trấn Phước Hải, ông Trần Văn Tài, chủ tịch UBND thị trấn, cho biết toàn thị trấn có chín điểm cho người dân tránh bão, gồm các trường học, trạm biên phòng, dinh thờ…
Ngư dân đưa đá ra ủ cá tại cảng cá Phước Tĩnh sáng 1-4 - Ảnh: Đông Hà
Đêm 31-3, chính quyền thị trấn đã đưa khoảng 300 người dân đến các điểm trên nhưng vào sáng 1-4, có một số người đã về nhà. Đến khoảng 12g, khi gió mạnh lên, nhiều bà con quay trở lại nơi trú ẩn. Chính quyền thị trấn đã bố trí và thuê năm chiếc xe khách để chở người dân đến nơi trú ẩn. Chính quyền thị trấn cũng cho xe chạy quanh các khu dân cư để đón người dân.
Bản thông báo phà Bình Khánh (Nhà Bè) ngừng hoạt động được dán ngay đường vào quầy vé lúc 15g ngày 1-4 - Ảnh: Sơn Lâm
Trước đó, vào sáng 1-4, có mặt tại cảng cá Phước Tĩnh, gió và sóng cũng rất mạnh. Trên các ghe cá neo đậu tại đây không có người. Tại cảng ở ấp Phước Tân, có khoảng 10 người đang chuyển đá ra ghe để phủ lên cá, chống ươn thối. Chủ ghe cho biết ghe vừa vô bờ nhưng vì trời dông bão phải ủ cá, chờ mai mốt chủ hàng đến lấy cá.
Một em nhỏ ăn cơm trưa do chính quyền phát miễn phí tại Trung tâm Văn hóa huyện Cần Giờ - Ảnh: Thuận Thắng
Vào khoảng 12g30 ngày 1-4, nhiều xã của các huyện Long Điền, Đất Đỏ và Xuyên Mộc đã bị cắt điện.
Trong khi đó, tại Vũng Tàu, gió và sóng biển mạnh dần lên nhưng không mạnh bằng các huyện Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trương Văn Trí, phó chủ tịch UBND TP Vũng Tàu, cảnh báo: “Chỉ khi bão suy yếu và vào đất liền mới suy giảm thành áp thấp nhiệt đới. Trong khi bão số 1 vẫn ở ngoài biển và ven biển thì rất nguy hiểm. Bà con và mọi người không nên chủ quan”.
Lực lượng thanh niên xung phong được tăng cường từ các quận phát cơm miễn phí cho bà con xã đảo Thạnh An vào đất liền tránh bão - Ảnh: Thuận Thắng
Cần Giờ: 2.300 dân rời nhà đi tránh bão
Từ sáng 1-4, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Đua đã có mặt tại trụ sở UBND huyện Cần Giờ trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống bão. Ông Nguyễn Văn Đua nhiều lần nhắc các đơn vị không được chủ quan và triển khai lực lượng xuống địa bàn tiếp tục giúp dân chống bão, vì người dân còn chủ quan thiếu kinh nghiệm chống bão.
Người dân neo thuyền tại bến Cầu Đò, huyện Cần Giờ, TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng
Đầu giờ chiều 1-4, các lực lượng bộ đội, dân quân, đơn vị cứu nạn cứu hộ, thanh niên xung phong tiếp tục mang nhiều bao cát, dây thừng xuống các khu vực ven biển như bến Cầu Đò, Cầu Đen, bãi tắm 30-4, chợ thị trấn huyện Cần Giờ và công viên huyện Cần Giờ để chằng lại nhà cửa, biển báo.
Đến chiều 1-4, đã có 2.295 người dân của hai xã và thị trấn ven biển huyện Cần Giờ là xã Thạnh An, xã Long Hòa, thị trấn Cần Thạnh đến nơi trú bão an toàn.
Một người đàn ông đang tìm cách neo thuyền khi sóng gió bắt đầu lớn đầu giờ chiều 1-4 - Ảnh: Thuận Thắng
Trong đó, 3 điểm tiếp nhận 1.545 người dân xã Thạnh An gồm: Trung tâm văn hóa huyện Cần Giờ: 670 người; nhà thiếu nhi huyện Cần Giờ: 665 người; Liên đoàn lao động huyện Cần Giờ: 210 người.
Tại xã đảo Thạnh An, phần lớn người dân đã được di dời vào nhà thiếu nhi, trung tâm văn hóa, nhà thi đấu của huyện… Tại đây chỉ còn lực lượng bộ đội, dân quân, cảnh sát và một số thanh niên khỏe mạnh ở lại để trông coi tài sản và tiếp tục che chắn nhà cửa, cầu cảng.
Ba điểm tiếp nhận 500 người dân thị trấn Cần Thạnh gồm: Trường THPT Cần Thạnh: 227 người; Trường tiểu học Cần Thạnh: 200 người, ngoài ra các trường mầm non và bệnh viện tiếp nhận 73 người.
Một chiếc thuyền bị gió thổi nghiêng khi đang di chuyển tránh bão - Ảnh: Thuận Thắng
Bốn điểm tiếp nhận 250 người dân xã Long Hòa gồm: Trường tiểu học Long Thạnh: 170 người; nhà văn hóa ấp Đông Hòa: 40 người; trường tiểu học Hòa Hiệp: 25 người; Đồn biên phòng 562: 15 người.
Số hàng cứu trợ trong và ngoài huyện Cần Giờ cũng đã được tập trung sẵn sàng hỗ trợ người dân chống bão với 700 thùng mì gói, 106 thùng mì ly, 1.300 bình nước uống loại 5 lít, 190 thùng nước loại 20 lít, 50 thùng xúc xích và 500 cái mền. Ngoài ra, ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ còn hỗ trợ người dân gần 7.000 phần ăn sáng, trưa, chiều trong ngày bão đổ vào.
Đến 16g cùng ngày, mưa to kèm theo gió giật mạnh vẫn kéo dài.
Tại trung tâm thị trấn huyện Cần Giờ, người dân đã không đi ra đường. Nhiều người ở các ngôi nhà yếu, lụp xụp và các gia đình sống ven biển được lực lượng chính quyền vận động đi lánh tại các trung tâm phòng tránh bão hoặc các nhà kiên cố.
Ở các bến, những chiếc thuyền cuối cùng đã được người dân di chuyển neo đậu vào nơi an toàn nhất có thể để sẵn sàng đón bão.
Theo tuoitre.vn