Vụ Tiên Lãng gây chấn động dư luậnLà vụ án về tranh chấp đất đai giữa gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở Cống Rộc, Vinh Quang với Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng, thu hút dư luận của cả nước gần một tháng qua, vì đây được coi là đỉnh điểm về xung đột đất đai của những bất cập về pháp luật đất đai và việc thực thi pháp luật ở các cấp địa phương. Dẫn đến hệ quả làm 2 người thuộc ngành quân đội bị thương, 6 người dân bị bắt và bị khởi tố, việc thu hồi đất tạm bị hoãn lại.
Diễn biến và hệ quảÔng Đoàn Văn Vươn trú tại Bắc Hưng, Tiên Lãng được Uỷ ban nhân dân huyện Tiên Lãng giao sử dụng 21 ha đất bãi bồi ngoài đê quốc gia thuộc địa bàn xã Vinh Quang, tại Quyết định số 447/ QĐ- UB ngày 4/10/1993 để sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản với thời hạn sử dụng 14 năm kể từ ngày quyết định giao đất. Sau đó ông Đoàn Văn Vươn tự ý đắp bờ bao phá rừng ngập mặn để lấn chiếm ra ngoài diện tích được giao 19,3 ha. Ủy ban nhân dân huyện đã xử phạt hành chính vi phạm hành vi lấn chiếm đất đai của ông Vươn.
Sau khi nộp phạt, ông Đoàn Văn Vươn có làm đơn xin giao đất. Ngày 4/9/1997, UBND huyện có Quyết định số 220/QĐ-UB giao bổ sung cho ông Đoàn Văn Vươn phần diện tích đất lấn chiếm này, thời hạn 14 năm tính từ 4/10/1993. Hết thời hạn giao đất UBND đã làm thủ tục để thu hồi toàn bộ 40,3 ha đất nói trên. Đối với 19,3 ha đất bổ sung, UBND huyện ban hành Quyết định số 461 QĐ-UBND ngày 7/4/2009 thu hồi giao cho UBND huyện Vinh Quang quản lý.
Không đồng ý với quyết định khiếu nại của Ủy ban nhân dân huyện, ông Vươn khởi kiện tại Tòa án. Ngày 27/01/2010, Tòa án nhân dân huyện Tiên Lãng đã xét xử sơ thẩm tại Bản án số 01/2010/HCST, bác yêu cầu khởi kiện của ông Vươn, giữ nguyên quyết định thu hồi đất 461/QĐ-UBND ngày 07/4/2009 của Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng.
Vụ việc tại Tiên Lãng đã đặt ra nhiều vấn đề về quản lý đất đai (Ảnh: Quốc Đô)
Ông Vươn tiếp tục có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm lên Tòa án nhân dân thành phố. Do trước khi mở phiên tòa phúc thẩm, sau khi đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử người kháng cáo rút toàn bộ yêu cầu kháng cáo nên Tòa án nhân dân Thành phố đã có quyết định số 02/2010/HCPT-QĐ ngày 22/4/2010 đình chỉ xét xử vụ án hành chính. Tại quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm của Tòa án nhân dân thành phố nêu rõ: “Bản án hành chính sơ thẩm số 01/2010/HCST ngày 27/01/2010 của Tòa án nhân dân huyện Tiên Lãng có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định này”.
Căn cứ bản án sơ thẩm và quyết định đình chỉ của tòa phúc thẩm, Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng đã nhiều lần vận động, thuyết phục ông Vươn thực hiện quyết định thu hồi đất của huyện bàn giao đất theo quy định, nếu có nhu cầu cần phải làm thủ tục để Ủy ban nhân dân huyện cho thuê đất theo quy định, nếu có nhu cầu cần phải làm thủ tục để Ủy ban nhân dân huyện cho thuê đất theo quy định. Tuy nhiên ông Vươn không chấp hành; yêu cầu huyện tiếp tục giao đất cho ông sử dụng theo hình thức “giao đất” chứ không chấp nhận hình thức thuê đất.
Do không tự giác chấp hành nên Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng ban hành Quyết định số 3307/QĐ-UBND ngày 24/11/2011 về việc cưỡng chế để thi hành quyết định hành chính thu hồi đất đối với ông Đoàn Văn Vươn.
Ngày 5-1-2012, Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng tổ chức cưỡng chế để thi hành quyết định hành chính thu hồi 19,3 ha đất bãi bồi ven biển được sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản tại khu vực Nam cống Rộc thuộc địa bàn xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng đối với ông Đoàn Văn Vươn, công dân xã Bắc Hưng huyện Tiên Lãng. Do không đồng ý việc thu hồi đất và quyết định cưỡng chế của Ủy ban nhân dân huyện, ông Đoàn Văn Vươn cùng những người trong gia đình đã tổ chức chống đối quyết liệt lực lượng cưỡng chế làm 6 cán bộ công an huyện và huyện đội Tiên Lãng bị thương.
Hai anh em ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý sau đó đã bị bắt và khởi tố; hai người vợ của ông Vươn và ông Quý là chị Nguyễn Thị Thương và Nguyễn Thị Hiền (tức Báu) bị khởi tố tội chống người thi hành công vụ, nhưng cho tại ngoại.
Người dân xã Vinh Quang chuẩn bị đơn đề nghị xử lý thêm những cán bộ sai phạm liên quan đến vụ cưỡng chế đầm tôm của ông Đoàn Văn Vươn.
Sau khi vụ việc xảy ra, UBND TP.Hải Phòng đã có báo cáo sơ bộ gửi lên Chính phủ. Tuy nhiên, ngày 15/1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chính thức yêu cầu Chủ tịch UBND thành phố phải điều tra, làm rõ vụ việc, báo cáo lại.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ban thường vụ thành phố Hải Phòng họp, phân tích và thống nhất quan điểm về vụ việc này để làm rõ 3 nội dung: Thứ nhất, việc giao đất, thu hồi đất đúng, sai ở điểm nào, trách nhiệm thuộc cơ quan nào? Thứ hai, việc tổ chức cưỡng chế có đúng quy định của pháp luật không, trong quy định của pháp luật khi nào sử dụng cưỡng chế và cách tiến hành cưỡng chế có đúng không? Thứ ba là việc tài sản như ao cá, nhà của ông Vươn bị phá huỷ, ai có chủ trương và chỉ đạo của ai, cấp nào?
Ngày 7/2, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thành chủ trì họp báo, thông báo Ủy ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã họp, thống nhất đình chỉ chức vụ đối với ông Lê Văn Hiền – Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng – và ông Nguyễn Văn Khanh – Phó chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng – để làm rõ những sai phạm trong vụ cưỡng chế đất đai.
Theo công bố của Văn phòng Chính phủ, chiều 10/2, Thủ tướng Chính phủ nghe báo cáo của lãnh đạo Hải Phòng và các Bộ Ngành và kết luận về vụ việc nói trên. Trao đổi với phóng viên vào chiều ngày 9/2, ông Dương Anh Điền, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng khẳng định:”Chúng tôi sẽ báo cáo trung thực, toàn diện với Thủ tướng và tuân thủ mọi kết luận của Thủ tướng”.
Phản ứng của dư luận cả nước
Chính quyền địa phương
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng cho rằng: “Quyết định giao đất và thu hồi đất là đúng và phù hợp. Hơn nữa, theo quy định, đất chỉ được giao cho người địa phương, trong khi ông Vươn không phải người ở xã Vinh Quang”.
Ngày 7 tháng 2 năm 2012 Thường vụ Thành ủy thành phố Hải Phòng đã tổ chức họp báo thông báo quyết định kiểm điểm và ra quyết định kiểm điểm tập thể Ban thường vụ huyện ủy Tiên Lãng; đình chỉ công tác ông Lê Văn Hiền, Phó bí thư, chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, và Phó chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Nguyễn Văn Khanh, là người trực tiếp chỉ đạo cưỡng chế thu hồi đất để kiểm điểm trách nhiệm cá nhân.
Lãnh đạo cấp caoBáo chí đã dẫn lời nhiều chuyên gia, lãnh đạo cấp cao, đảng viên bàn về vấn đề này. Các ý kiến cho rằng Đoàn Văn Vươn và các đối tượng đã vi phạm pháp luật tội chống người thi hành công vụ, nhưng huyện Tiên Lãng cũng có thể sai về mặt pháp luật khi tiến hành cưỡng chế ở vụ án này.
Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh nói: trong vụ cưỡng chế này, chính quyền huyện, xã đều sai và đây là bài học mà chính quyền cả nước phải rút kinh nghiệm. Ông cũng cho rằng “Thành ủy Hải Phòng và UBND TP Hải Phòng phải có trách nhiệm xử lý, làm sai chỗ nào thì phải nhận sai ở chỗ đó, không được trả lời loanh quanh và không được che giấu sai phạm. Trả lời tiền hậu bất nhất là không thể được” và “sử dụng bộ đội để cưỡng chế với dân là tuyệt đối sai”
Quan điểm của GS Đặng Hùng Võ là: Một mặt, chính quyền huyện Tiên Lãng đã giao đất cho ông Vươn là sai luật. Mặt khác, chính quyền huyện không có đủ thẩm quyền để quyết định thời gian giao đất là bao nhiêu năm và đất giao cho ông Vươn phải gọi là đất nông nghiệp. Bài báo cũng coi đây là đỉnh điểm về xung đột đất đai.
Theo Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: đây có thể coi là một tổn thất chính trị lớn.
Các luật sư và trí thức
Luật sư Trần Vũ Hải, gửi đơn lên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (cũng là đại biểu Quốc hội khu vực 3 Hải Phòng, trong đó có huyện Tiên Lãng) kiến nghị xem xét khởi tố hình sự vụ chính quyền Hải Phòng phá sập nhà ông Vươn và em trai ông. Theo ông Hải, nguyên thủy việc cưỡng chế đầm tôm của ông Vươn cũng sai vì “xuất phát từ quyết định thu hồi sai” và “”Phải xác định xem chính quyền (Tiên Lãng) sai thế nào mới dẫn đến ông Vươn quá bức xúc và có hành động quá khích”.
Dư luận xã hộiTheo bà Trần Thị Mịn, em dâu ông Đoàn Văn Vươn: “Họ dồn đến đường cùng, nên anh tôi bảo là phải giữ, chứ cũng không dám nổ súng đâu… Bây giờ nợ hơn chục tỷ thì gọi là lên bờ chỉ có chết thôi, không thể sống bằng cái gì được, nhà cửa không có. Nên phải giữ lấy đất, chứ không phải chống trả đâu”.
Bà Nguyễn Thị Thương (Vợ ông Vươn) cùng bà con họ hàng làng xóm chăm chú theo dõi diễn biến thông tin cuộc họp của Thủ tướng chính phủ về vụ việc của gia đình mình.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào cuộc
Chiều 10-2, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã họp với lãnh đạo các bộ, ngành, Uỷ ban TƯMTTQ Việt Nam và lãnh đạo TP.Hải Phòng về các nội dung xung quanh vụ cưỡng chế thu hồi đất khu vực đầm thủy sản của anh em ông Đoàn Văn Vươn- Đoàn Văn Quý (xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) hôm 5-1-2012, gây hậu quả nghiêm trọng, khiến dư luận cả nước quan tâm.
Thủ tướng Chính phủ biểu dương và cám ơn báo giới, cập nhật thông tin kịp thời, nhiều chiều về vụ việc. Điều này đã đóng góp tích cực cùng cơ quan chức năng để làm rõ vụ việc, đưa ra hướng xử lý phù hợp. Thủ tướng mong báo chí tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp chung đất nước, định hướng dư luận. Thủ tướng cám ơn các ý kiến tâm huyết xác đáng của người dân, đặc biệt các nhà lão thành cách mạng…Tuy nhiên vẫn còn nhiều bài viết chưa nêu bật được bản chất sự việc, hơi sa đà, cần rút kinh nghiệm.
Đây là sự việc rất đáng tiếc, mặc dù có nguyên nhân khách quan, nhưng chủ quan là yếu kém của chính quyền Tiên Lãng và xã Vinh Quang trong công tác quản lý nhà nước, liên quan việc cưỡng chế thu hồi đất.
Đối với việc giao đất: UBND huyện Tiên Lãng đã có 2 quyết định mang số 460-461 không đúng với quy định của pháp luật.
Hệ quả dẫn đến quyết định cưỡng chế thu hồi đất cũng không đúng pháp luật. Mặt khác nội dung cưỡng chế thu hồi đất của huyện Tiên Lãng là có sai phạm như không xác định diện tích, thời điểm cưỡng chế nhạy cảm: sát Tết cổ truyền. Việc tổ chức thực hiện càng có nhiều sai sót, gây hậu quả xấu như đã biết.
Về hủy hoại tài sản của ông Đoàn Văn Vươn: đối với việc phá dỡ có sự chỉ đạo của lãnh đạo chính quyền địa phương, đây là hành vi vi phạm hình sự, Thủ tướng yêu cầu điều tra, khởi tố, làm rõ một cách nghiêm minh.
Về cá trong đầm, theo cơ quan công an báo cáo: thì ông Vươn đã cho người đánh bắt thu hoạch trước khi việc cưỡng chế diễn ra.
Mặc dù TP Hải Phòng đã chỉ đạo xử lý giải quyết hậu quả vụ việc, nhưng vẫn còn nhiều điểm: Lãnh đạo thành phố chưa nhận thức đúng tính quan trọng của vấn đề, nên chưa chỉ đạo sát ngay từ đầu làm rõ trách nhiệm cá nhân.
TP Hải Phòng có 2 báo cáo, song chưa thực sự nghiêm túc và đầy đủ. Việc cung cấp thông tin theo luật báo chí cũng được thực hiện chưa tốt, chưa có người có đủ thẩm quyền để cung cấp thông tin chính thống cho báo giới; thậm chí có việc cán bộ của cấp thành phố, cấp huyện phát ngôn tùy tiện, thiếu thống nhất.
Thủ tướng yêu cầu UBND TP Hải Phòng phải chỉ đạo thu hồi một cách đúng pháp luật những quyết định trái pháp luật của huyện Tiên Lãng về việc thu hồi đất và cưỡng chế thu hồi đất đối với ông Đoàn Văn Vươn; chỉ đạo TAND TP HP và TAND huyện Tiên Lãng kiểm điểm nghiêm túc việc xét xử đối với vụ việc này.
Hải Phòng cần xem xét để ông Vươn có thể được tiếp tục thuê đất theo đúng quy định pháp luật. Và phải đình chỉ ngay các cán bộ đã phá dỡ nhà ông Vươn, bất kể người đó là ai.
Thủ tướng cũng yêu cầu Hải Phòng chỉ đạo các cơ quan chức năng đưa vụ án giết người và chống người thi hành công vụ ra xét xử công khai, nhưng có xem xét đến các tình tiết giảm nhẹ.
Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo TP Hải Phòng phải làm rõ trách nhiệm sự chấp thuận từ phía thành phố cho huyện Tiên Lãng cưỡng chế và việc chậm xử lý hậu quả. Đồng thời Hải Phòng phải rút kinh nghiệm sâu sắc qua vụ việc này, không để xảy ra các vụ việc tương tự, sớm ổn định tình hình, chỉ đạo phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kinh tế xã hội đã đề ra. Tất cả những việc này phải làm khẩn trương, với tinh thần trách nhiệm cao và báo cáo lại với Thủ tướng.
Mừng với kết luận của Thủ tướng
Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh thành phải rà soát lại pháp luật về đất đai (cưỡng chế, thu hồi..) cho đúng pháp luật. Việc cưỡng chế thu hồi nếu có, cần thực hiện thì phải làm đúng quy định pháp luật. Cần tập trung rà soát lại đơn thư khiếu nại của người dân trong lĩnh vực này.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cần nghiên cứu, sửa đổi bổ sung các quy định về sử dụng đất, đưa ra kiến nghị sửa đổi Luật đất đai cho phù hợp với thực tiễn. Bộ Tư pháp cần nghiên cứu đề xuất thể chế để kiểm soát việc ban hành quyết định hành chính của chính quyền địa phương. Kiến nghị TANDTC xem xét tái thẩm các bản án liên quan đến vụ việc này.
Tùng Dương